Trẻ em thường có những suy nghĩ và hành động rất ‘bản năng’. Tuy nhiên, có rất nhiều những bài học từ ‘bản năng’ của trẻ em nhưng người lớn thường quên lãng, và nếu ai biết cách áp dụng thì sẽ đạt được những thành công rực rỡ.
Dưới đây là 5 bài học rất căn bản nhưng kinh điển mà người lớn cần phải học trẻ con.
1. ƯỚC MƠ LỚN
Có một nghịch lý trong cuộc sống rằng, khi bé thì thường mơ ước lớn nhưng càng trưởng thành thì mơ ước càng ‘teo’ lại. Lý do bởi càng lớn thì người ta càng gặp nhiều khó khăn, thất bại trong cuộc sống dẫn đến nỗi sợ ngày một lớn và bóp nghẹt dần những ước mơ.
Những ước mơ của trẻ em chỉ dựa trên cảm tính, sở thích chứ không có căn cứ về bằng cấp, học vấn, về hoàn cảnh, nguồn lực… và đặc biệt, những ước mơ này không bao giờ có bóng dáng của những nỗi sợ.
Thực tế đã chứng minh, tất cả những người hoàn thành được ước mơ của mình họ đều chỉ có duy nhất một yếu tố hơn hẳn những người khác, đó là khát vọng thực hiện ước mơ. Những vĩ nhân đó chính là Hồ Chí Minh, Steve Jobs, Beethoven…
Vậy tại sao rất nhiều trong số chúng ta cứ để những nỗi sợ ấu trĩ, sự tự ti đè nén những ước mơ, thậm chí có rất nhiều người ngay cả mơ cũng không dám?!
2. SUY NGHĨ ĐƠN GIẢN
Khi hỏi “bệnh gì bác sĩ phải bó tay”, hầu hết những người lớn sẽ trả lời AIDS, ung thư hay nhiều thứ bệnh ghê gớm khác, thậm chí có nhiều người nghĩ ‘thoáng’ hơn như bệnh lười, bệnh dại gái… Nhưng với một đứa bé thì câu trả lời sẽ là “gãy tay”.
Hoặc một câu đố khác: Vật gì giống như cuốn sổ tay? Nào, bạn hãy dừng lại 10 giây suy nghĩ xem.
Đừng quá phức tạp, đó chính là cuốn sổ tay.
Trong cuộc sống có rất nhiều những tình huống, những câu nói rất đơn giản mà người ta lại thích suy diễn đủ điều làm cho nó phải trở nên vô cùng phức tạp. Ví dụ, lâu ngày nhớ bạn cũ nên gọi nhau đi uống café trò chuyện hỏi thăm. Người bạn kia sẽ nghĩ rằng chắc tên này có gì muốn nhờ vả mình đây, hay là muốn mời đám cưới… và để phòng thủ nên đã từ chối cuộc hẹn sau một hồi tưởng tượng đủ lý do.
Suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động tương ứng. Những suy nghĩ và hành động đơn giản giúp mọi người dễ hiểu nhau, thân thiện hơn và tăng cường sự hợp tác. Những suy nghĩ phức tạp làm mọi người dễ bị stress và hiểu lầm để rồi xa lánh nhau. Suy nghĩ đơn giản cũng giúp mọi người nhìn nhận vấn đề dễ dàng và quyết tâm thực hiện.
Vậy tại sao không chọn cách suy nghĩ đơn giản mọi vấn đề chứ?
3. ĐỨNG DẬY SAU KHI NGÃ
Điều này muốn nói theo khía cạnh ý chí bất khuất khi gặp những trở ngại, thất bại trong cuộc sống.
Một đứa trẻ đang đi bị vấp ngã, việc đầu tiên là đứng dậy, phủi chân tay và sau đó đi tiếp.
Bạn có thấy đứa trẻ nào sau khi ngã rồi nằm luôn không? Có, một số rất ít những đứa trẻ nhõng nhẽo hoặc do cú ngã mạnh làm đau không thể đứng dậy ngay.
Còn bạn thì sao? Nếu gặp những thất bại trong cuộc sống bạn sẽ ‘đứng dậy đi tiếp’ hay bỏ cuộc? Thử tưởng tượng một đứa trẻ đang tập đi, bị vấp ngã rồi bỏ cuộc thì sẽ ra sao? Đứa trẻ đó suốt đời ngồi xe lăn. Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều những mục tiêu, những kế hoạch, nhưng nếu chúng ta không quyết tâm theo đuổi những mục tiêu đó, thực hiện những kế hoạch đó thì suốt đời chúng ta bị dìm trong vòng xoáy của sự tồn tại ‘ăn – làm việc – ngủ – ăn – làm việc – ngủ…’.
Cuộc đời có thể quật ngã ta, sau khi ngã ta có 2 lựa chọn: nằm luôn hoặc đứng lên.
4. ĐẶT CÂU HỎI CHO NHỮNG GÌ KHÔNG RÕ
Một trong những đặc điểm của trẻ em là hỏi và hỏi. Chúng hỏi mọi nơi, mọi lúc, mọi người và mọi vấn đề. Có nhiều người lớn thậm chí còn phát cáu vì những câu hỏi của đứa trẻ, nhưng họ không hiểu rằng đó chính là cách những đứa trẻ đang lớn lên, đang tự hoàn thiện trí não của mình.
Thay vì ‘giấu dốt’, những đứa trẻ luôn nỗ lực tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề thông qua việc làm đơn giản, đó là hỏi người khác. Điều này ở người lớn thì lại phổ biến theo chiều ngược lại. Vì ‘cái tôi’ quá lớn nên người lớn thường tỏ ra biết hết mọi thứ, không chịu học hỏi, không chịu hợp tác, chỉ đến khi phải nhận hậu quả do sự thiếu hiểu biết của mình thì mới cuống cuồng tìm cách đối phó.
Trên đời này còn điều gì bạn chưa biết? Nếu câu trả lời là không còn điều gì hay chỉ còn vài điều thì rõ ràng bạn cũng không phải là người. “Nhân vô thập toàn” mà.
Chỉ những con ‘ếch ngồi đáy giếng’ mới tưởng mình là giỏi, là biết hết mọi thứ. Những người tài giỏi, giàu có họ không ngừng tìm tòi, học hỏi bất cứ ai, bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà họ biết có những điều họ còn đang thiếu.
Biết đến khi nào mới xuất hiện một người không bao giờ cần sử dụng những câu hỏi?
5. CHƠI VỚI BẠN ĐỒNG TRANG LỨA HOẶC LỚN HƠN
Đây là một tính cách khá thú vị của trẻ em. Chúng không thích chơi với những đứa trẻ nhỏ hơn, ngay cả đó là em ruột. Chúng sẽ kết với nhau thành một nhóm cùng lứa để cùng chơi với nhau hoặc theo những anh chị lớn hơn để học hỏi.
Người lớn thì thường ngược lại. Họ thích giao du với những người thấp kém hơn mình để thể hiện ‘cái tôi’ vô nghĩa, muốn được những người ‘dưới tầm’ tung hô mình. Rất ít người đủ tự tin và khát vọng được giao du với những người hơn mình.
Tục ngữ có câu “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”. Câu này có 2 ý, một ý là những người ‘đồng đẳng’ thường vào hội với nhau, một ý là khuyên mọi người nếu muốn nâng tầm mình lên thì phải biết giao du với những người hơn mình để có cơ hội được học hỏi và phấn đấu được như những người đó.
Tại sao bạn phải giao du với những người mà bạn không hề thích cuộc sống như của họ? Tại sao bạn không dám giao du với những người mà bạn mong muốn có cuộc sống như họ đang có?
Có một câu nói “Hãy cho tôi biết bạn của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”.
“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.
Người gửi / điện thoại
|
Phan Hùng Mạnh 098.887.0011 hungmanhxnk@yahoo.com |
|
Mục nào bạn thích nhất trong website này?
Nghệ thuật sốngGiáo dục con Clips for life Suy ngẫm Sức khỏe |